Đạo Phật thường thức-Bài 1-Hiểu về nhân quả "Người trí sợ nhân, kẻ bần sợ quả"

Là con người ai cũng luôn muốn vui vẻ, hạnh phúc. Tuy nhiên những người mê muội thì chỉ luôn sợ khổ, luôn muốn cầu vui vẻ mà không cần biết nguyên nhân của đau khổ của mình là gì, làm cách nào để diệt trừ những nguyên nhân đó. Dù ngây thơ đến mấy, chúng ta đều biết rằng, không tạo nhân lành mà trông chờ quả tốt thì chẳng khác nào gieo hạt ớt mà mong chờ nó nảy ra hạt lúa mì.

Người trí và kẻ bần

Người trí là người có thể thấy được ngọn nguồn, nguyên nhân của sự khổ đau và hạnh phúc. Người trí hiểu được rằng không gieo nhân khổ thì sẽ không có quả khổ. Gieo những mầm an vui thì quả vui không vời cũng tới. Đây là kim chỉ nam hành động của người trí.

Kẻ bần là những người mê muội, chỉ biết sợ khổ đau, khi khổ đau đến thì chỉ biết cầu khấn van xin. Họ chỉ biết cầu mong mơ ước quả an vui, nhưng nhân không gây thì quả làm sao tới. Đây là vướng mắc của kẻ bần.

Người trí sợ nhân

Người trí là những người hiểu rõ nguyên nhân của khổ đau, liền sợ hãi tìm mọi cách để diệt trừ nguyên nhân đó. Nên chúng ta bảo “Người trí sợ nhân” là vì vậy.

  • Người trí thấy tham lam và keo kiệt là nguyên nhân của đau khổ → Người trí tìm cách giúp người để tiêu diệt tham lam của bản thân.
  • Người trí thấy ngạo mạn, buông thả là nguyên nhân phá hủy đạo đức → Họ tìm cách tu bản thân để sống khiêm nhường để tu dưỡng đạo đức.
  • Người trí thấy nóng giận là nguyên nhân của nhiều tội ác → Họ tìm cách tu tính nhẫn nhịn để dẹp trừ nóng giận.
  • Người trí thấy lười biếng bê tha là nguyên nhân khiến con người hư hỏng → Họ tu đức tính chăm chỉ (tinh tấn) để diệt trừ lười biếng.
  • Người trí thấy tâm tán loạn là nguyên nhân khiến tâm trí chúng ta điên đảo → Họ tập thiền định để tâm trí được ổn định, không bị bấn loạn.
  • Người trí thấy ngu si là nguyên nhân của trầm luân sinh tử → Họ rèn luyện trí tuệ để diệt trừ những sự ngu dốt của bản thân.

Kẻ bần sợ quả

Kẻ bần là những người sợ quả khổ mà không cần biết nguyên nhân. Họ thấy cái gì khổ đau đến là kinh hoàng khiếp sợ, van xin cầu cứu mà không cần biết cái khổ đau ấy xuất phát từ nguyên nhân nào. Khi cái khổ ấy đi qua rồi, họ lại bình thản như thường không cần biết tu sửa. Thật là vừa mê muội mà lại vừa tự mãn.

Những cái quả mà kẻ bần sợ nhất là:

  • Sợ người hại mình, mà tâm hại người thì không chịu bỏ.
  • Sợ người khác tranh giành của cải của mình, mà tâm tham lam của người thì không chừa.
  • Sợ người lừa gạt mình, mà lại thích lừa gạt người khác.
  • Sợ say sưa bị người cười chê, mà rượu bia không từ một giọt.

Người trí tạo nhân

Người trí hiểu được, để gieo những nhân tốt, họ cần phải rèn luyện để tinh thông một lĩnh vực nào đó:

  • Tinh thông lý thuyết để giảng giải cho người
  • Tinh thông tâm lý, xã hội, khoa học để hiểu rõ con người
  • Tinh thông y dược, giúp đời giúp người.
  • Tinh thông nghề nghiệp, khéo léo để chỉ dạy cho mọi người và gây dựng được nền kinh tế tốt đẹp cho mọi người.
  • Tinh thông ngoại ngữ để tiếp xúc được với nhiều hạng, nhiều giống người để học tập và giúp đỡ những giống người khác thay vì chỉ đồng bào mình.

Bên cạnh đó, người trí cũng sẵn sàng hào hiệp giúp đỡ người:

  • Sẵn sàng giúp đỡ tiền bạc, của cải hoạc sực lực của mình khi người cần.
  • Dùng lời ái ngữ để tạo thiện cảm với mọi người.
  • Xông pha làm những điều đem lại lợi ích thiết thực cho mọi người.
  • Sẵn sàng lăn xả vào cùng làm, cùng sống với mọi người.

Kẻ bần cầu quả

Kẻ bần không ưa tạo nhân tốt mà mong cầu quả tốt. Tuy nhiên, quả tốt làm sao đến được, bởi vì làm gì có nhân.

  • Mong mình được sống lâu, mạnh khỏe, mà không chịu tập tành thể dục, rèn luyện thể thao, không chịu cứu người, giúp vật.
  • Sinh mạng/đồ đạc/tâm tư của người không tôn trọng mà luôn muốn mọi người tôn trọng sinh mạng/đồ đạc/tâm tư của mình.
  • Cầu mong mình được giàu có, ai nấy đều ủng hộ mà không chịu sẻ chia, giúp đỡ lúc người cùng khốn.
  • Mong đừng ai lừa gạt mình, mà không chịu nói lời chân thật.
  • Mong muốn gia đình sum họp thuận hòa mà không khuyên can để giúp mọi người hòa hợp.
  • Mong mọi người không xúc xiểm mình mà không chịu dùng lời hiền hòa với họ.
  • Mong đừng ai tham lam cái có của mình, mà mình thì không chịu từ bỏ lòng tham với cái có của người.
  • Mong muốn có trí tuệ sáng suốt mà không chịu học tập, cố chấp với những định kiến không chịu buông bỏ.

Bao nhiêu thứ cầu mong này không bao giờ người ta toại nguyện, chỉ vì họ mong Quả mà không chịu tạo Nhân. Thật là giống như muốn đi bên Tây mà mặt hướng về phía Đông. Muốn gặt quả mà không gieo nhân; nếu được, quả ấy chỉ là quả gian lận, quả cướp giựt, bất chánh. Ví như có người thấy hàng xóm trồng cam trái chín oằn cây, mê quá lại hái ngang, nếu chủ vườn thấy đánh gãy tay, nếu không thấy hái được đem về, cũng là cái quả ăn cắp, cái quả xấu xa nhục nhã. Cầu quả mà không chịu gây nhân, là kẻ mơ ước hão huyền, xa rời thực tế, là kẻ lười biếng muốn ăn mà không chịu làm

Kết luận:

Tuy nhiên, người trí và kẻ bần nào có cách biệt bao nhiêu, chỉ cần đổi cách nhìn là chúng ta có thể thay đổi vận mệnh đời mình. Muốn trở thành người trí, chúng ta phải nhìn thẳng vào Nhân để thấy rõ nhân khổ thì tránh, nhân vui thì hành là Người Trí. Chỉ biết sợ Quả khổ, cầu quả vui, mà không cần biết nguyên nhân, là Kẻ Bần. Người Trí và Kẻ Bần về cơ bản không khác nhau, chỉ khác một bên nhìn vào Nhân và một bên nhìn vào Quả. Kẻ Bần đổi cái “sợ Quả” thành “sợ Nhân” thì sẽ thành Người Trí.