Làm thế nào để ngừng trở thành 'Người chăm chỉ' và bắt đầu gặt hái kết quả
Hiện tại, tôi đang ở trạng thái chuyển tiếp trong cuộc sống và sự nghiệp của mình - tôi đã mạo hiểm mọi thứ, chuyển quốc gia và đang tìm kiếm cơ hội làm việc mới ở nước ngoài. Và một phần thói quen hàng ngày của tôi là gửi CV đến các nhà tuyển dụng tiềm năng: các công ty khởi nghiệp, các tập đoàn lớn, các khách hàng freelance.
Một điều buồn cười là: Tôi đã tham gia lực lượng lao động từ năm 14 tuổi, nhưng tôi thậm chí chưa bao giờ có một bản lý lịch cho đến hai tuần trước. Tôi luôn là người kiểm tra các sơ yếu lý lịch (ví dụ: trong công cty của tôi), không phải là người gửi nó. Vì vậy, toàn bộ quá trình này hoàn toàn lạ lẫm đối với tôi.
Trong tháng qua, tôi đã quen với việc bị từ chối. Tuy nhiên, tôi không quá căng thẳng vì tôi biết rằng tôi chỉ cần nhận được 1 cái gật đầu là đủ. Nhưng gần đây, tôi đã nhận được lời từ chối rất chu đáo từ một nhà tuyển dụng tiềm năng, điều này thực sự khiến tôi phải đánh giá lại những gì tôi đã hoàn thành cho đến nay. Nó cũng truyền cảm hứng cho tôi viết bài này.
Nội dung thư như sau:
Sergey, từ những gì tôi thấy trong sơ yếu lý lịch của bạn, bạn trông giống như một người làm rất nhiều việc. Nhưng cách bạn diễn đạt các dự án của mình khiến bạn giống như một ‘Người chăm chỉ’ hơn là một ‘Người thành công’.
Đó là lần đầu tiên ai đó gọi tôi là ”Người chăm chỉ” và điều đó khiến tôi suy nghĩ kỹ về việc này. Tôi đã quá quen với việc liệt kê cho mọi người và khách hàng những việc tôi đã làm gần đây, nhưng tôi đã không trả lời được các câu hỏi sau:
- Có phải tất cả các dự án của tôi cho đến nay - không gì khác hơn là cố gắng làm nhiều hơn để nhận được nhiều hơn?
- Tôi đã đạt được bất cứ điều gì đáng kể trong 5 năm qua?
- Tôi có thực sự là ‘Người chăm chỉ’ không? Nếu vậy, tại sao?
- Đâu là sự khác biệt thực sự giữa ‘Người chăm chỉ’ và ‘Người thành công’?
Tôi đã xem lại sơ yếu lý lịch của mình.
“ Thành lập một công ty trong lĩnh vực sản xuất video ” - đúng vậy, nhưng thực ra ngày nay ai cũng có thể thành lập công ty. Trở thành một doanh nhân thật dễ dàng: hãy nộp đơn cho một công ty trách nhiệm hữu hạn và bạn là một doanh nhân.
“ Tạo một chương trình trên YouTube và phỏng vấn 10 doanh nhân hàng đầu của Đông Âu ” — cái này thú vị hơn, nhưng ai cũng có thể phỏng vấn người khác. Không có thành tích, chỉ có việc làm.
“ Viết một cuốn sách kinh doanh tự phát triển ” - cái này hay hơn. Đó là một thành tích.
“ Tạo ra một cộng đồng các doanh nhân khởi nghiệp ở Nga thông qua việc mở Startup Grind Chapter” — đây cũng là một thành tựu.
Thực hiện việc rà soát này khiến tôi suy nghĩ về sự khác biệt giữa bản chất của thành tựu thực sự và việc làm ngẫu nhiên, rời rạc. Sự khác biệt giữa hai điều này cũng lớn như sự khác biệt giữa “người tiêu dùng” và “nhà sản xuất”. Và chúng ta rất dễ nhầm lẫn giữa 2 thứ này.
Có lẽ Richard Feynman đã đúng khi nói:
Bạn không nên lừa dối ai cả vì bạn là người dễ bị lừa nhất
Bạn rất dễ tự đánh lừa bản thân và cố tình nhầm lẫn giữa ‘đang làm’ với ‘đạt được’. Đó không phải là lỗi của chúng ta, bởi vì đó là những gì chúng ta đã được dạy. Nhưng thế giới thực coi trọng kết quả hơn hành động. Đó không phải là làm nhiều hơn, mà là đạt được nhiều hơn những thứ quan trọng.
Chúng ta đã sai ở đâu?
Ở trường, chúng ta được yêu cầu làm bài kiểm tra, làm bài tập về nhà, tham gia các hoạt động ngoại khóa và tình nguyện. Bạn càng tham gia nhiều hoạt động và kết quả thi của bạn càng tốt, bạn càng được khen thưởng thông qua các giải thưởng, trợ cấp và học bổng. Chúng ta có lý do để nghĩ rằng trở thành một học sinh giỏi toàn diện là điều khiến chúng ta trở nên ấn tượng hơn so với các bạn cùng trang lứa.
Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ hiểu đầy đủ lý do tại sao chúng ta phải làm những việc đó. Khi còn là sinh viên, chúng ta không được dạy về tầm quan trọng của vô số bài tập về nhà, bài kiểm tra và các hoạt động ngoại khóa mà chúng ta phải trải qua. Đối với phần lớn chúng ta, đó chỉ đơn giản là những việc chúng ta phải làm.
Người ta nói với bạn rằng điều quan trọng là bạn đã cố gắng hết sức. Đó là một lời nói dối .
Trong thế giới thực - thế giới mà bạn bước vào sau 15 năm bị tẩy não - không ai quan tâm đến việc bạn đã làm việc bao nhiêu hoặc bạn đã cố gắng thế nào. Mọi người muốn kết quả. Doanh nghiệp muốn các mục tiêu và đạt được các mục tiêu đó. Không giống như trường học, thế giới không trả tiền cho việc cố gắng.
Không có gì ngạc nhiên khi bạn tốt nghiệp, nhiều bạn vẫn tiếp tục chơi cùng một trò chơi: cố gắng hết sức, không quá nổi trội, tuân theo các quy tắc, có mặt và làm viêc lầm lũi.
Tất nhiên là bạn vẫn phải làm (dù không biết bạn làm thế làm gì), bạn không biết cách nào khác!
Trường học trao phần thưởng cho hành động. Cuộc đời trao phần thưởng cho kết quả.
Hãy nhớ những gì người ta hỏi bạn khi bạn apply vào một trường đại học? “ Các hoạt động ngoại khóa của bạn là gì?” . Ở trường, bạn càng làm nhiều, bạn càng được khen thưởng. Học sinh bận rộn với danh sách hoạt động dài vô tận được khen ngợi là “năng động” và “toàn diện”.
Chúng ta được xã hội quy định để làm ‘Người chăm chỉ’ hơn là ‘Người thành công’. Nhưng xã hội không cần những ‘Người chăm chỉ’ trung bình như vậy. Xã hội cần những người biết cụ thể họ muốn làm gì, những người giỏi trong những gì họ làm và biến mọi thứ thành hiện thực.
Bạn đã làm việc với ai?
Câu hỏi văng vẳng bên tai tôi.
Lúc đó là 5 giờ chiều và tôi đang ngồi trong sảnh của một khách sạn đắt tiền cùng với CMO của một ngân hàng hàng đầu của Nga. Tôi đã mất một thời gian dài (và hối hả) để sắp xếp cuộc gặp này, và bây giờ tôi phải cố gắng hết sức. Gần như một cách tự nhiên, theo thói quen, tôi bắt đầu liệt kê tên các công ty mà chúng tôi đã từng liên hệ, cũng như đã từng làm việc cùng. (Dù sao thì một lời nói dối nhỏ không bao giờ làm tổn thương ai.)
Tôi đã mở bản thuyết trình cho bài gọi vốn của mình. Trên một slide, nó hiển thị 15 logo của các công ty hàng đầu của Nga: Starbucks Russia , Dunkin Donuts Russia , MAN , một số ngân hàng lớn, các công ty khởi nghiệp nổi tiếng… và hầu hết tất cả các cty đó chúng tôi đã thực sự làm việc cùng. Chúng tôi đã làm mọi thứ, từ quảng cáo truyền hình đến xây dựng thương hiệu nhân sự, YouTube, đến sản xuất phim.
Chúng tôi rõ ràng là những ‘Người chăm chỉ’. Nhưng lúc đó tôi không biết điều đó, vì vậy tôi đã làm điều mà tôi luôn làm tốt nhất: nói chuyện theo cách của mình trong suốt cuộc họp, cố gắng bán các dịch vụ của công ty tôi hết mức có thể.
Tôi đã trình bày bài thuyết trình của mình, trang web của cty, show các video của chúng tôi và tôi thấy khách hàng của mình … ngáp và bắt đầu lướt điện thoại của anh ấy . Tôi loạng choạng, đỏ mặt và không biết phải làm gì. Vì vậy, tôi chỉ còn cách tiếp tục thuyết trình.
Sau đó anh ấy yêu cầu tôi dừng lại. Và anh ta nói điều mà tôi sẽ không bao giờ quên:
Nghe này, các bạn. Các bạn rất tuyệt. Nhưng tôi không thấy giá trị trong việc này. Có hàng ngàn , có thể hàng chục ngàn công ty sản xuất video ngoài kia và họ đều giống như các bạn. Họ làm mọi thứ, họ cũng có đạo diễn, cũng có máy quay, có cùng công ty mà họ đã từng làm việc giống các bạn… Vậy điểm khác biệt là gì?
Cuộc họp kết thúc, chúng tôi bắt tay nhau và anh chàng CMO rời đi dự một cuộc họp khác. Tôi chỉ ngồi đó, chết lặng.
“Khác biệt là gì?” - Tôi không biết. Chúng tôi không có gì. Chúng tôi cũng giỏi như những người khác - và đó chính xác là vấn đề. Chúng tôi là ‘Người chăm chỉ’, không phải ‘Người thành công’. Về cơ bản, chúng tôi đang tự lừa dối bản thân mình.
Không phải là làm nhiều hơn
Thay vào đó, đó là đạt được nhiều hơn những gì quan trọng đối với bạn, công việc kinh doanh, chiến lược và cuộc sống của bạn nói chung.
Hệ thống trường học đã dạy chúng ta rằng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa và trở nên toàn diện. Trong thế giới thực, cách duy nhất để giành chiến thắng là trở nên rất chuyên biệt và mang lại kết quả. Như Matt Ridley, tác giả của Rational Optimist, đã nói:
Chúng tôi có thể đa dạng hóa với tư cách là người tiêu dùng vì chúng tôi chuyên môn hóa với tư cách là nhà sản xuất
Câu trả lời cho câu hỏi “Khác biệt của bạn là gì?” chính là “Sự tập trung”. Bạn có thể là bất cứ thứ gì, nhưng bạn không thể là Tất cả. Tập trung là điều cần thiết để theo đuổi sự xuất sắc.
Bạn có muốn chọn một nha sĩ đồng thời là nhà thần kinh học, blogger, doanh nhân và người trông coi vườn thú không? Tôi nghi ngờ điều đó. Bạn chắc chắn sẽ chọn một nha sĩ chỉ chuyên về răng lợi.
Rất nhiều người cố gắng làm mọi thứ cùng một lúc vì họ sợ sẽ đánh mất thứ gì đó. Đó là FOMO (Fear Of Missing Out). Nếu bạn muốn trở thành một ‘Người thành công’, bạn phải hiểu điểm mạnh thực sự của mình là gì và bạn có thể sử dụng chúng như thế nào để mang lại kết quả .
Bạn cần phải tự kiểm điểm để biết đầy đủ những tham vọng của mình. Biết được mục tiêu cuối cùng sẽ giúp bạn vạch ra con đường để đến đó thay vì cố gắng bắn trúng các mục tiêu ngẫu nhiên, hy vọng một trong số chúng sẽ trúng đích.
Không ai muốn làm việc với những điều chung chung, mọi người đều đang tìm kiếm những điều cụ thể có ý nghĩa. Đó chính xác là vấn đề với công ty sản xuất video của tôi - một vấn đề mà chúng tôi đang khắc phục.
Chúng tôi đã kiểm tra mọi thứ chúng tôi đã thực hiện trong nhiều tháng và nhận ra rằng chúng tôi thực sự giỏi một việc: tạo các video thương hiệu nhân sự hấp dẫn. Chúng tôi cũng giỏi về YouTube, nhưng có những người giỏi hơn chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm định hướng lại công ty của chúng tôi xung quanh một điều cốt lõi này và trở thành người giỏi nhất về nó.
Chìa khóa để trở thành một ‘Người thành công’ (so với ‘Người chăm chỉ’) là trở nên bị ám ảnh.
Bị ám ảnh (tức là quá tập trung vào một thứ) không phải là một chiến lược hay, mà đó là chiến lược duy nhất. Đó là cách bạn có được lợi thế cạnh tranh, sự chú ý của mọi người và kết quả đưa bạn đến thành công.
Công tắc tinh thần
Nói thì dễ hơn làm, nhưng trở thành một ‘Người thành công’ trước hết là một sự thay đổi về mặt tinh thần. Nó bắt đầu với việc bạn cam kết thúc đẩy kết quả và tạo ra giá trị có ý nghĩa, chứ không chỉ làm những việc ngẫu nhiên.
Khi bạn cam kết, hãy xem những thứ bạn đã làm cho đến nay. Lấy sơ yếu lý lịch của bạn ra hoặc lập danh sách các dự án bạn đã tham gia. Bạn có thể làm gì tốt hơn bất kỳ ai khác? Hãy trung thực. Loại bỏ tất cả những thứ còn lại. Những Người thành công chỉ tập trung vào một thứ và một thứ duy nhất.
Trái ngược với những ‘Người chăm chỉ’, những Người thành công tập trung vào kết quả . Họ biết chính xác những gì họ muốn đạt được và làm thế nào để đạt được điều đó. Các nhiệm vụ không cần thiết không liên quan đến mục tiêu của họ sẽ bị loại khỏi danh sách ưu tiên của họ hoặc được ủy quyền hiệu quả cho những người khác có chuyên môn hơn về vấn đề này. Điều này giúp họ có thời gian trau dồi kỹ năng và tạo lợi thế cạnh tranh so với các đồng nghiệp.
Từ giờ trở đi, tất cả những gì bạn quan tâm là hoàn thành công việc và mang lại giá trị. Tạo ảnh hưởng tích cực.
Mỗi khi bạn bắt đầu một dự án, bạn hãy tự hỏi mình hai câu hỏi:
- Tôi có thể đóng góp thực sự gì?
- Làm thế nào để tôi biết tôi thành công?
Bạn từ chối đi theo con đường mà trường học đã dạy bạn. Bạn biết rằng không có giá trị gì khi trở nên toàn diện và mọi người cần những chi tiết cụ thể có ý nghĩa.
Và mỗi khi ai đó bắt đầu giới thiệu cho bạn biết họ đã thực hiện bao nhiêu dự án gần đây, máy dò trong tâm trí của bạn sẽ hoạt động. Bạn trở thành người CMO mà tôi đã nhắc tới, người nhìn xuyên qua sự ồn ào, tìm kiếm thành tích thực sự hơn là điểm số chuyên cần. Bạn đã trở thành một Người thành công.
Khi tôi nghĩ về những điều tôi đã viết ở trên, tôi hoàn toàn hiểu tại sao nhà tuyển dụng đó lại đưa ra phản hồi đó cho tôi. Và tôi biết ơn vì điều đó. Nếu không có email ngắn đó, tôi sẽ tiếp tục là một người làm việc mà không có mục đích và trọng tâm rõ ràng.
Vì vậy, cảm ơn bạn, (nhà tuyển dụng mà tôi quên tên và không thể tìm thấy trong hộp thư đến email của tôi) .
Và đối với bạn, hãy nhớ rằng không có giá trị gì trong việc làm ngẫu nhiên. Hãy tìm ra những gì quan trọng đối với bạn và doanh nghiệp của bạn, tập trung vào đó và đạt được kết quả.
(Hồ Huy- Lược dịch)